Họ đã hứng chịu một thất bại bẽ bàng ở EURO 2000, nhưng giờ đang tự hào có trong đội hình những cầu thủ đã vào chung kết Champions League nhờ một hệ thống coi trọng các HLV và tài năng bản địa.
Bóng đá trẻ ở Đức phát triển mạnh nhờ sự quan tâm của Liên đoàn
Chuyện của người Đức Cựu giám đốc thể thao Robin Dutt của LĐBĐ Đức (DFB) từng nhận xét về vị thế của bóng đá Đức: "Chúng tôi đang ở trình độ cao nhất rồi và rất khó tìm ra điểm để cải thiện nữa. Năm 2000, chúng tôi đang ở đáy và còn nhiều việc phải làm, nhưng giờ đây không ai thấy có gì phải sửa chữa".
Sau một thập kỷ, DFB đang là hình mẫu cho toàn thế giới. Trong vai trò người chịu trách nhiệm phát triển cầu thủ và HLV trẻ của DFB, Dutt tươi cười chào đón các đồng sự nước ngoài tới trong những chuyến thăm học hỏi. Dan Ashworth, giám đốc phụ trách bóng đá đỉnh cao của LĐBĐ Anh (FA), là một trong những vị khách đã tới thăm DFB gần đây. Ông dành ra 3 tiếng đồng hồ với Dutt để thảo luận về chủ đề bóng đá trong một cuộc gặp mang tính khai sáng.
Bóng đá Đức đang bùng nổ và mang về những phần thưởng ở mọi cấp độ sau màn trình diễn nhạt nhòa tại EURO 2000, khi Đức đứng bét bảng đấu của họ. Buộc phải cải cách toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ, DFB, Bundesliga và các CLB quyết định phải đầu tư thật mạnh tay vào xây dựng tố chất kỹ thuật cho các cầu thủ trẻ bản địa vì lợi ích của tất cả các bên liên quan. Kết quả là sự xuất hiện của những học viện ở mọi CLB thuộc 2 giải đấu chuyên nghiệp cao nhất.
Thành quả rất rõ ràng. HLV ĐT Đức Joachim Loew tràn ngập trong một thế hệ những cầu thủ trẻ tài năng, Julian Draxler (19 tuổi), Andre Schuerrle (22), Sven Bender (24), Thomas Mueller (23), Holger Badstuber (24), Mats Hummels (24), Mesut Oezil (24), Ilkay Guendogan (22), Mario Goetze (20), Marco Reus (23), Toni Kroos (23)... danh sách rất dài, và sẽ còn dài nữa xuống tận đội U21.
Hệ thống cơ sở vật chất tại các học viện rất đầy đủ
Trong trận chung kết Champions League mùa vừa rồi ở Wembley, DFB tự hào chỉ ra rằng 26 cầu thủ của Bayern Munich và Borussia Dortmund trong danh sách đăng ký đá cúp châu Âu là người bản địa và đủ điều kiện khoác áo ĐT Đức. Hơn một nửa các cầu thủ đó trưởng thành từ các chương trình đào tạo trẻ của DFB, được giới thiệu từ năm 2003 để xác định những tài năng hứa hẹn, đào tạo kỹ chiến thuật từ nhỏ trên khắp nước Đức. Bao phủ toàn bộ 366 vùng địa lý ở Đức, các trung tâm này tuyển mộ trẻ em từ 8-14 tuổi và quy tụ 1.000 HLV bán thời gian của DFB, tất cả đều có bằng B của UEFA. "Nước Đức có 80 triệu dân và tôi nghĩ trước năm 2000, không ai để ý chúng tôi có nhiều tài năng như thế. Giờ thì ai cũng chú ý tới chúng tôi", Dutt nói.
Vai trò của các CLB chuyên nghiệp Trong những chương trình của DFB, vai trò của các CLB chuyên nghiệp là cực kỳ quan trọng. Nhiều tài năng trẻ tham dự cùng lúc các học viện trẻ ở CLB và các chương trình của DFB. Ngược lại, các chương trình của DFB là nơi để những CLB Bundesliga chiêu mộ tài năng. "Khi chúng tôi hỗ trợ các CLB, cũng có nghĩa là chúng tôi giúp chính mình, vì các cầu thủ ở ĐTQG và các cấp độ trẻ đều xuất thân từ CLB", Dutt nói.
Đội ngũ HLV với chiều sâu tuyệt vời và mối quan hệ chặt chẽ giữa DFB và các CLB chuyên nghiệp là những chìa khóa cho thành công. Theo UEFA, Đức có 28.400 HLV có bằng B (so với 1.759 ở Anh), 5.500 có bằng A (895) và 1.070 (115) có bằng Pro, bằng cao nhất. Không có gì ngạc nhiên khi Ashworth tuyên bố nước Anh sẽ không có con đường tắt nào để đi tới thành công.
Những HLV như Christian Streich (Freiburg) rất chú trọng tới cầu thủ trẻ
Với Đức, thời kỳ sau EURO 2000 cũng là giai đoạn thay đổi triết lý bóng đá, cùng với việc đào tạo thêm HLV và nâng cấp cơ sở hạ tầng. DFB muốn tránh xa quan điểm truyền thống chỉ dựa vào tố chất "tinh thần Đức" để thắng trận. Các HLV được khuyến cáo tập trung xây dựng những đội hình với lối chơi chuyền bóng tốc độ cao đòi hỏi những cầu thủ khéo léo và tinh tế trước giờ vẫn bị bỏ qua vì thiếu sức mạnh thể lực.
"Trong quá khứ, chúng tôi có rất nhiều cầu thủ to cao. Nhưng hãy nhìn các cầu thủ bây giờ xem", Dutt nói. "Chúng tôi nhận ra điều quan trọng với một cầu thủ trước hết là kỹ thuật, và những người kỹ thuật giỏi thường có chiều cao khiêm tốn. Maradona, Iniesta, Xavi đều là những cầu thủ nhỏ con. Nhưng ở hàng thủ chúng tôi vẫn cần các cầu thủ cao lớn. Mats Hummels to cao, nhưng vẫn rất khéo léo. Năm 1982, Mats Hummels có lẽ sẽ không chơi ở hàng thủ, anh sẽ đá số 10. Những năm 1970, Beckenbauer là người sáng tạo và Schwarzenbeck chuyên đá thể lực. Khi có bóng, ông sẽ chuyền cho Beckenbauer, mọi chuyện chỉ có thế. Nhưng giờ thì Hummels, vốn có thể chơi như Beckenbauer, đang đóng cả vai trò của Schwarzenbeck".
Chuyện của Freiburg Nếu có CLB nào dẫn đầu trong phong trào đào tạo trẻ ở Đức thì đó là Freiburg, đội đã giành Cúp quốc gia Đức cho lứa trẻ 4 lần trong 7 năm qua. Trong 25 cầu thủ thuộc đội hình đăng ký hiện giờ của họ, 10 người là dân bản địa. Dưới sự dẫn dắt của HLV đầy cá tính Christian Streich, người đã làm việc ở đội trẻ của CLB trong 16 năm, Freiburg chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tại Bundesliga. Với quỹ lương chỉ 18 triệu euro, bao gồm cả BHL và đội 1, vị trí thứ 5 của Freiburg mùa trước là một thành tựu thực sự.
CLB có một cơ sở đào tạo trẻ hoành tráng ở ngay bên rìa Rừng Đen, với một SVĐ nhỏ, tất cả tiêu tốn khoảng 10 triệu euro và được xây từ năm 2001. Trước những cuộc cải cách, Freiburg rớt hạng ở Bundesliga và tự nhận thấy cần phải thay đổi. CLB không có khả năng tài chính để mua sắm các ngôi sao hay ra nước ngoài shopping, nên Streich không có lựa chọn nào khác. Trong số 66 cầu thủ lứa U16 tới U19 ở CLB, trừ 2 người, tất cả đều đủ điều kiện khoác áo ĐT Đức.
Sống trong một khu vực dân cư đông đúc nhưng lại không phải cạnh tranh với các CLB Bundesliga khác, Freiburg hợp tác chặt chẽ với 5 đội bóng nghiệp dư ở địa phương. Họ cung cấp HLV cho các đội này, làm việc với những em nhỏ tuổi từ 8-11 mỗi 2 lần/tuần. Những cầu thủ triển vọng nhất sẽ được mời thử việc ở đội trẻ của Freiburg trong các kỳ nghỉ học, lễ hay cuối tuần. "Chúng tôi tin rằng một cầu thủ mới 9 tuổi thì chưa nên tham gia hoàn toàn các hoạt động bóng đá chuyên nghiệp vì nó làm thay đổi mục đích chơi bóng của các em", Sebastian Neuf, một thành viên hiệp hội bóng đá trường học Đức, nói.
Các cậu nhóc ở đội U11 và U12 Freiburg đang tập luyện
Chỉ tới năm 12 tuổi, các cầu thủ nhí mới cân nhắc đầy đủ việc theo nghiệp bóng đá. Những người sống trong bán kính 40 km với Freiburg tới CLB tập 4 lần một tuần và tham dự các giải nhi đồng, cũng có vô địch, lên-xuống hạng. "Chúng tôi không nhấn mạnh chuyện thắng bại, mà chú ý vào việc đào tạo thật tốt", Dutt nói. "Với những người Đức, hệ thống này rất quan trọng". Thật vậy, học viện trẻ của Freiburg không thiếu danh hiệu, nhưng không bao giờ bị ám ảnh bởi thành tích. Thông qua chương trình do DFB tài trợ một phần, 16 cầu thủ trẻ thuộc học viện của Freiburg ở nội trú, cùng những người khác sống với một gia đình bảo trợ hay đi đi về về từ nhà, có thể tiếp tục sự nghiệp học hành bên cạnh chơi bóng đá.
Streich nói CLB có trách nhiệm về mặt đạo đức luôn nghĩ tới điều sẽ xảy đến nếu như sự nghiệp bóng đá không thành sự thật với các cầu thủ trẻ. "Khi tôi tới Aston Villa 8 năm trước, tôi nói với họ các cầu thủ của chúng tôi, lứa U17, 18 và 19, vẫn tới trường 34 tiếng mỗi tuần", ông kể. "Họ nói: Ông nói phét, không thể như thế. Các cầu thủ lứa đó ở đây chỉ đi học 9 tiếng mỗi tuần. Tôi nói: Không, tôi không nói phét. Họ nói: Không thể có chuyện đó, đi học thế thì thời gian đâu mà tập. Tôi nói: Họ phải cố thôi, các vị làm gì với những người sau này không đá bóng nhưng chỉ đi học 9 tiếng mỗi tuần giai đoạn 16 tới 19 tuổi? Họ nói: Các cầu thủ phải quyết định từ đầu. Tôi nói: Không, ở Freiburg không như thế. Hầu hết các cầu thủ trẻ đều sẽ không thể chơi chuyên nghiệp, họ phải tìm công ăn việc làm. Trường học là quan trọng nhất, rồi mới đến bóng đá. Chúng tôi tạo cơ hội tốt nhất để họ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi có hai hệ thống giáo dục ở đây. Nếu 80% không thể chơi chuyên nghiệp, thì chúng tôi phải để ý tới họ. Hầu hết các cầu thủ trẻ ở đây sau này sẽ học lên cao hơn. Thêm nữa, dẫu sao trên sân chúng tôi cũng cần những cầu thủ thông minh và có học".
Những ai chứng tỏ được năng lực chắc chắn sẽ có cơ hội tại Freiburg, khiến cho khoản đầu tư 3,5 triệu euro mỗi năm vào học viện trẻ (khoảng 10% doanh thu) trở nên rất hợp lý.
Nhiều tiền chưa hẳn đã tốt Frank Arnesen, người rất khâm phục công việc của Streich ở Freiburg và đã làm công tác đào tạo trẻ cả ở Đức và Anh, cho rằng tiền bạc là vấn đề lớn ở xứ sở sương mù. Nhân vật người Đan Mạch, vừa rời cương vị giám đốc thể thao ở Hamburg sau khi đã làm việc cho
Chelsea và Tottenham ở cùng cương vị, nói: "Tiền bạc là vấn đề lớn ở Anh vì các CLB đổ tiền ra mua những cầu thủ đã trưởng thành thay vì chờ đợi. Các cầu thủ trẻ sẽ phải phạm sai lầm mới lớn lên được, nhưng áp lực thành tích khiến các HLV không thể để điều đó xảy ra".
Các cầu thủ trẻ ở Đức ngoài việc chơi bóng vẫn lên lớp 34 tiếng mỗi tuần
Arnesen tin rằng luật "50% cộng 1", đòi hỏi các CLB Bundesliga phải thuộc sở hữu của CĐV, đã giúp phát triển tài năng trẻ. Thiếu vắng các ông chủ hào phóng nước ngoài, các CLB buộc phải, và cũng vì sự yêu thích của các CĐV, tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ bản địa.
Bối cảnh hoàn toàn khác ở Premier League, nơi phần lớn các CLB trong tay chủ ngoại và cầu thủ Anh chỉ là thiểu số. Thật khó tưởng tượng Đức sẽ chấp nhận điều đó, vì lợi ích của ĐTQG được ưu tiên trước hết. "Tôi cho rằng có một điều rất quan trọng là các HLV làm việc ở những ĐTQG Đức đều rất chú tâm và được tôn trọng, mọi cấp độ. Ở Anh, tôi không chắc lắm", Arnesen nói. "Tôi cho rằng có cảm giác rõ ràng là làm việc cho một CLB ở Anh thì ngon ăn hơn so với cho FA".
Chính Ashworth là một ví dụ. Nhiều người đã ngạc nhiên khi ông từ chối cơ hội làm việc cho các CLB sau khi đã tạo được ấn tượng với vai trò giám đốc thể thao ở West Brom. Arnesen cho rằng ở Anh, các mối quan hệ cần thay đổi: "FA phải tạo ra bối cảnh trong đó các HLV ĐTQG được tôn trọng". Dutt nhất trí: "Tôi đã nói chuyện nhiều giờ với Dan. Sẽ tốt hơn cho nước Anh nếu CLB và FA ngồi lại với nhau. Hiện ở các CLB Anh có nhiều cầu thủ nước ngoài và không nhiều người từ Anh. Chelsea giành Champions League, rồi Europa League, họ là một đội bóng thành công, nhưng ĐT Anh lại không được như thế".
Trở lại Frankfurt, Dutt giải thích câu hỏi cuối cùng về việc tại sao quá ít cầu thủ nước ngoài trưởng thành ở những học viện trẻ tại Đức. "Nếu bạn muốn có một cầu thủ từ châu Phi hay Brazil, bạn phải có tiền. Đơn giản là những tài năng bản địa ở đây thì rẻ hơn".