Khách hàng thường phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi được bồi thường bảo hiểm, nhiều thủ tục rườm rà và không được sự trợ giúp của các công ty bảo hiểm. Không ít trường hợp cả khách hàng và công ty bảo hiểm phải đưa nhau ra tòa để giải quyết. Gian nan Ông Lê Huy, trú tại số nhà 41, ngõ 260, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội, là chủ xe ôtô Honda Civic mang BKS 30Y - 4917. Ông Huy mua bảo hiểm vật chất cho chiếc xe trên tại Công ty cổ phần bảo hiểm PJICO theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số 00118057, có hiệu lực từ 15 giờ ngày 7/5/2010 đến 15 giờ ngày 7/5/2011. 4 giờ sáng ngày 1/9/2010, xe của ông Huy gặp tai nạn tại cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội, khi đó người điều khiển chiếc xe là anh Phạm Văn Hải (SN 1990).
Theo kết luận của Công an quận Long Biên, do anh Hải điều khiển xe
Honda City tránh 1 ôtô khác vượt lên tạt trước đầu xe mình đã tự đâm vào thanh sắt chắn ngang cầu (lúc đó cầu đang thi công) xảy ra tai nạn, vi phạm điều 8, khoản 23 Luật GTĐB. Như vậy, theo Điểm 1.1, khoản 1, Điều 25, Quy tắc bảo hiểm kết hợp điều khoản của PJICO ban hành ngày 5/5/2009, “PJICO bồi thường cho chủ xe những thiệt hại vật chất xe xảy ra do: tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe, lái xe trong những trường hợp: đâm va, lật, đổ, hỏa hoạn, cháy, nổ, các vật thể khác tác động lên xe cơ giới”. Như vậy, vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường.
Ông Huy cho biết: “Mặc dù tôi đã cung cấp đầy đủ hồ sơ yêu cầu PJICO bồi thường thiệt hại theo quy định nhưng hơn 2 năm kể từ khi gặp nạn, PJICO không có bất kỳ một văn bản nào trả lời về giải quyết bồi thường thiệt hại cho tôi. Chỉ đến khi vụ việc được đưa ra công luận, ngày 11/9/2012, tức là 2 năm 10 ngày sau vụ tai nạn, PJICO mới có Công văn số 208/2012/PJICOHN/XCG gửi cho tôi nhưng từ chối bồi thường với lý do: Căn cứ vào biển hạn chế tốc độ tối đa cho phép tại nơi xảy ra tai nạn là 15 km/h; khoảng cách từ đầu cầu tới điểm va chạm là 47 m, tương đương khoảng thời gian 11,28 giây, nếu là lái xe giật mình điều khiển lái xe mất hơn 11 giây là không thể xảy ra…” .